TRƯỜNG TRUNG CẤP VĂN HÓA NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC"
Cập nhật: 04.05.2019 10:23

SỞ VHTTDL ĐỒNG NAI

TRƯỜNG TRUNG CẤP

VĂN HÓA NGHỆ THUẬT


 


Số: 81-KH/TrTCVHNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Đồng Nai, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

                                                                         KẾ HOẠCH

           TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC




Thực hiện văn bản số 575/SVHTTDL-VH ngày 15/3/2019 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 1839/KH-UBND ngày 20/02/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025; Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học bao gồm những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập, nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của từng cá nhân trong nhà trường theo đạo đức nhà giáo; nội quy nhà trường; tạo môi trường làm việc và học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, dân chủ, trung thực, văn minh trong trường học.

2. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” đối với công chức, viên chức, người lao động và học sinh, học viên trong toàn trường. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, học viên phải tham gia được đánh giá kết quả hàng năm.

3. Tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của công chức, viên chức, giáo viên, người lao động và học sinh, học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách và lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

          4. Đảm bảo 100% công chức, viên chức, giáo viên, người lao động, học sinh, học viên được quán triệt nội dung văn hóa ứng xử trong trường học và bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt về tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học hàng năm.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”.

a) Nội dung: Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025.

b) Tài liệu: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Kế hoạch số 1839/KH-UBND ngày 20/02/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 198/QĐ-TrTCVHNT ngày 21/8/2018 của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai ban hành Nội quy của nhà trường.

c) Hình thức triển khai: Sinh hoạt chuyên “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” cho toàn thể công chức, viên chức, giáo viên, người lao động và học sinh toàn trường.

d) Thời gian, địa điểm: Ngày 03/5/2019 tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai.

đ) Báo cáo kết quả thực hiện: Thực hiện chế độ thông tin báo cáo cho cơ quan cấp trên theo quy định (tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, sơ kết, tổng kết).

2. Nội dung triển thực hiện Đề án “Văn hóa ứng xử trong trường học”

a) Công chức, viên chức, giáo viên, người lao động thực hiện Văn hóa công vụ.

- Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân, bao gồm:

+ Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

+ Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công cụ.

+ Không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của nhà trường và của người học; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người học.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động phải công tâm; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

- Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động:

+ Trong giao tiếp với học sinh, học viên và phụ huynh học sinh, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người học. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

+ Đối với đồng nghiệp, phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

+ Đối với lãnh đạo cấp trên, phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên.

 Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động:

+ Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

+ Không được sa vào các tệ nạn xã hội; hút thuốc lá đúng nơi quy định; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

+ Phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.

- Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động: Khi thực hiện nhiệm vụ, phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc nhà giáo, hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

- Cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động thực hiện nghiêm Nội quy nhà trường.

- Cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động thực hiện nghiêm Đạo đức nhà giáo:

+ Luôn tâm huyết với nghề dạy học, có ý thức giữ gìn danh dự, uy tín và lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác. Có lòng nhân ái, yêu thương, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với đồng nghiệp, với học sinh; luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp, của học sinh và cộng đồng.

+ Tận tụy với công việc được giao, thực hiện đúng điều lệ nhà trường, quy chế của ngành giáo dục. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá khách quan, đúng thực chất năng lực người học.

+ Thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng với yêu cầu của đổi mới của sự nghiệp giáo dục chung.

+ Có tinh thần đấu tranh phê và tự phê, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp cho đồng nghiệp, lãnh đạo. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp. Quan hệ đúng mực, gần gũi với học sinh, học viên, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp.

+ Có ý thức giữ gìn, bảo vệ uy tín, phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, tham nhũng, lãng phí.

+ Có thái độ nghiêm túc, gần gũi, tin cậy và thông cảm để có thể chia sẻ tình cảm với học sinh. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của học sinh, không làm cho học sinh bị lệ thuộc. Tạo bầu không khí học tập tự giác, cởi mở, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo học tập, tạo cơ hội công bằng đối với tất cả học sinh.

+ Đối với phụ huynh, cha mẹ học sinh, luôn tôn trọng, thẳng thắn, chân tình, khéo léo. Thường xuyên quan tâm, chia sẻ thông tin tình hình học sinh, nhà trường;  phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục học sinh; giữ uy tín, phẩm chất, đạo đức nhà giáo.

b) Thực hiện đúng các quy định của Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp của nhà trường.

- Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động và người học đều phải thực hiện các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của trường, hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế, giám sát, đánh giá, thông qua đó nhà trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường; thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn; nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm của nhà trường và lấy người học làm trung tâm.

- Tất cả cán bộ quản lý, công chức, viên chức, giáo viên và người học đều phải tham gia tiếp cận quá trình, gắn kết với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phù hợp với thực tiễn của nhà trường trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và cải tiến chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

c) Ứng xử văn hóa của người học trong nhà trường:

Người học tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai phải chấp hành nghiêm Nội quy Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai (ban hành kèm theo Quyết định số 198 /QĐ-TrTCVHNT ngày 21/8/2018) và Nội quy Ký túc xá (ban hành kèm theo Quyết định số 197/QĐ-TrTCVHNT ngày 20/8/2018) (nếu là học sinh, học viên nội trú). Tuân thủ Nội quy học tập tại các Trường THCS, THPT nơi mình đang học văn hóa phổ thông.

- Ứng xử văn hóa trong lớp học: Đi học đúng giờ, không bỏ giờ; trang phục gọn gàng, lịch sự, không mặc quần áo có hình thù kỳ quái, có câu chữ phản cảm, mất thẩm mỹ, không nhuộm tóc, không sử dụng các phương tiện liên lạc cá nhân trong phòng học. Đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập. Nghiêm túc, trung thực trong học tập, không vi phạm quy chế kiểm tra; đeo thẻ học sinh, học viên khi đến trường. Hành vi, ngôn ngữ trong ứng xử, giao tiếp phải có văn hóa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Giữ gìn trật tự và vệ sinh môi trường, có ý thức bảo vệ tài sản của nhà trường.

- Đối với thầy cô giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động nhà trường: Học sinh chào hỏi, xưng hô với thái độ kính trọng, lễ phép, không thô lỗ, cộc lốc hay rụt rè. Khi hỏi và trả lời đảm bảo trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có thưa gửi, cảm ơn. Khi làm phiền thầy cô giáo, nhân viên phải thể hiện tế nhị, biết xin lỗi. Biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với thầy cô giáo và nhân viên nhà trường. Đến cổng trường phải biết chào hỏi người lớn tuổi, kể cả bảo vệ.

- Đối với gia đình, người thân: Xưng hô, mời gọi đảm bảo kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình. Xin phép khi đi và chào hỏi khi về, chào mời khi ăn uống đảm bảo lễ phép. Quan hệ với anh chị em trong gia đình đảm bảo trật tự họ hàng, quan tâm chăm sóc khi ốm đau, nhường nhịn, giúp đỡ bảo ban, chia sẻ, an ủi chân thành. Khi có khách đến nhà chào hỏi lễ phép, tiếp khách chân tình, cởi mở và lắng nghe. Có ý thức giúp đỡ gia đình những công việc vừa sức.

- Đối với bạn bè: Chào hỏi xưng hô với bạn đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng; Không có hành vi, lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu trọc, khiêu khích. Thăm hỏi, giúp đỡ bạn chân thành, tế nhị, không che dấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Trong học tập, đối thoại, trò chuyện, trao đổi với bạn đảm bảo chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã, chê bai, dè bỉu, xúc phạm, nói tục, chửi thề. Biết lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính chất xây dựng khi thảo luận, tranh luận. Khi có mâu thuẫn, hai bên kiềm chế, bình tĩnh giải thích rõ ràng, tránh hiểu lầm, biết xin lỗi và thứ lỗi cho nhau. Quan hệ với bạn khác giới phải đảm bảo tôn trọng, trong sáng, đúng mực.

- Ứng xử với môi trường và cộng đồng xã hội: Đảm bảo thân thiện với môi trường, có ý thực bảo vệ giữ gìn, không có hành vi phá hoại, ảnh hưởng không tốt đến môi trường: Không hò hét, không khạc nổ, vứt rác bừa bãi, không bẻ cành hái hoa, bảo vệ cây xanh và các cơ sở vật chất của các công trình công cộng. Giao tiếp với mọi người nơi cư trú đảm bảo tôn trọng, lễ phép, ân cần giúp đỡ. Trong sinh hoạt đảm bảo tôn trọng, không làm mất an ninh trật tự, không gây ồn ào, mất vệ sinh chung. Khi tham gia các hoạt động chung đảm bảo nếp sống văn minh, đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, có ý thức giữ vệ sinh chung, không mất trật tự. Thực hiện đúng quy định trong lớp học. Trong các nơi công cộng đảm bảo cử chỉ hành động lịch thiệp, biết xin lỗi khi làm phiền, cảm ơn khi được phục vụ, giúp đỡ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Đào tạo

- Tổ chức xây dựng Kế hoạch và triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động và học sinh, học viên toàn trường thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” của nhà trường. Đăng tải Kế hoạch thực hiện “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” trên Website nhà trường.

- Theo dõi, tổng hợp kết quả và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

2. Phòng Hành chính - Tổng hợp

Phối hợp với Phòng Đào tạo tổ chức sinh hoạt chuyên đề và triển khai thực hiện Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, học viên toàn trường. Công khai kế hoạch trên bảng thông báo của nhà trường. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học, tham mưu Ban giám hiệu chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Các khoa chuyên môn

Triển khai đến viên chức, giáo viên và học sinh, học viên trong khoa thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Kế hoạch. Kịp thời phát hiện các cá nhân có biểu hiện vi phạm, góp ý để sửa chữa, phản ánh với Ban giám hiệu các trường hợp vi phạm.

4. Học sinh, học viên

Học sinh, học viên của nhà trường có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch này. Kịp thời phát hiện bạn bè có biểu hiện vi phạm và phản ánh với thầy cô giáo hoặc Phòng Đào tạo để kịp thời chấn chỉnh và hoàn thiện văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai. Đề nghị trưởng các phòng, khoa chuyên môn nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

Nơi nhận:

- Sở VHTTDL (báo cáo);

- Sở LĐTB-XH (báo cáo);

- HT, các PHT;

- Trưởng các phòng/khoa;

- Bí thư Chi đoàn thanh niên;

- Lưu VT, ĐT (N).

HIỆU TRƯỞNG

TS. Nguyễn Hồng Ân

(đã ký)