Tín hiệu vui trong tìm kiếm tài năng nghệ thuật
Cập nhật: 25.07.2018 07:48

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) Ðồng Nai gặp không ít khó khăn bởi số thí sinh thi vào các ngành năng khiếu ngày càng giảm dần, nhất là các môn học ở Khoa Âm nhạc truyền thống. Do vậy, để thu hút thí sinh tiềm năng trong mùa tuyển sinh năm nay, ngay từ đầu năm, nhà trường đã áp dụng nhiều cách thức, biện pháp mới nhằm “đãi cát tìm vàng” cho nghệ thuật tỉnh nhà.

Vượt chỉ tiêu đề ra
Theo Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai, năm 2018, nhà trường được giao tuyển sinh 70 chỉ tiêu (bằng chỉ tiêu năm 2017) ở các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn với 4 khoa: Âm nhạc truyền thống, Âm nhạc phương Tây, Thanh nhạc, Múa. Hiện nhà trường đã tuyển được 51 học sinh tại cơ sở, trong đó có 35 học sinh là người dân tộc thiểu số (Nùng, Dao, Mường, S’tiêng, Chơ Ro). Trong 2 ngày (24 và 25-7) nhà trường tiếp tục tuyển sinh tại trường với hơn 70 hồ sơ đăng ký.
 
t12_250718_1.jpg
Buổi đăng ký thi năng khiếu ở huyện Định Quán
 
Ðiều đáng mừng là năm nay, số hồ sơ dự thi vào Trường Trung cấp VH-NT Ðồng Nai cao hơn những năm trước. Nếu như năm 2017, số thí sinh đăng ký vào Khoa Âm nhạc truyền thống chỉ có 12 em thì năm nay đã có 30 thí sinh đăng ký vào khoa này, trong khi chỉ tiêu của trường là 20. Số lượng thí sinh dự thi đông đã tạo điều kiện thuận lợi để trường tìm kiếm, chọn lọc những thí sinh nổi trội thực sự có tiềm năng, năng khiếu để đào tạo. Dự kiến, năm nay nhà trường sẽ tuyển 90 thí sinh (vượt 10% chỉ tiêu đề ra).
Ðể có được kết quả khả quan này, TS. Nguyễn Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai cho biết, nhà trường đã xác định tuyển sinh là bước then chốt trong công tác đào tạo, phát triển các chuyên ngành nghệ thuật. Do đó, ngay từ đầu năm, nhà trường đã vạch ra kế hoạch, trong đó chú trọng việc quảng bá nghệ thuật của trường đến các tầng lớp nhân dân thông qua các chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí. Ðặc biệt, nhà trường đã xây dựng clip giới thiệu các hoạt động và biểu diễn nghệ thuật (10 phút), liên kết với đội chiếu bóng lưu động của tỉnh phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu công nghiệp. “Từ giữa tháng 5-2018, trường đã tiến hành tuyển sinh ở cơ sở. Mở đầu là xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Sau đó, chúng tôi tiếp tục đến các xã như: Long Thọ, Hiệp Phước (huyện Long Thành); Hàng Gòn (TX. Long Khánh); Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); Ðắc Lua, Tà Lài (huyện Tân Phú)… Trong các chuyến đi, thành viên Hội đồng tuyển sinh đã phổ biến về chế độ ưu đãi của Nhà nước và của tỉnh (hỗ trợ tiền ăn, ở, ký túc xá), học bổng theo quy định hiện hành dành cho học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù”, TS. Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.
Tự tin hoàn thành phần thi múa trong sáng qua 24-7, em Cao Ngọc Tuyết Nhi (hiện là sinh viên năm 2, ngành Kế toán, Trường đại học Ðồng Nai) cho biết, phần thi hôm nay phù hợp với khả năng của em. Dù đã là sinh viên đại học nhưng Nhi vẫn quyết tâm thi vào chuyên ngành Múa để có thể theo đuổi đam mê. “Em thích múa từ nhỏ nhưng vì học múa khó tìm công việc phù hợp và ổn định nên em theo học kế toán ở Ðại học Ðồng Nai. Hiện tại, em đã sắp xếp lịch học ổn định nên quyết tâm thi vào Khoa Múa của trường để có thể nâng cao kỹ năng múa. Em hy vọng sau khi tốt nghiệp, vừa tìm được công việc kế toán ổn định vừa có thể đi biểu diễn để được sống với đam mê của mình”, Tuyết nhi bày tỏ.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Ðối với học sinh theo học các chuyên ngành nghệ thuật tại Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai, thời gian học kéo dài (ít nhất là 4 năm, nhiều nhất 7 năm) cũng là một trở lực khiến nhiều người có năng khiếu bỏ cuộc. Trên thực tế, không ít học sinh khi đăng ký dự thi và đậu vào trường nhưng chỉ học được một thời gian đã xin nghỉ.  Nhiều người cho rằng, phải khổ luyện rất vất vả trong thời gian dài nhưng khi ra trường lại khó tìm được công việc phù hợp, thời gian sống với nghề lại quá ngắn. Ðiều đó đặt ra nhiều vấn đề trong việc đào tạo, thu hút cũng như giữ chân những tài năng nghệ thuật.
t12_250718_2.jpg
Các thí sinh dự thi Khoa Âm nhạc phương Tây
Cũng theo TS. Nguyễn Hồng Ân, bên cạnh tuyển sinh, nhà trường cũng xác định đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giúp học sinh có thể phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo nghệ thuật. “Ðào tạo khối ngành nghệ thuật không giống như các ngành học bình thường. Với nhiều chuyên ngành, nhà trường phải tuyển học sinh từ độ tuổi lớp 6. Ngoài xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, lấy người học làm trung tâm, trường học thân thiện… thì học sinh còn được học với các thầy cô giàu tâm huyết, kinh nghiệm lâu năm; chú trọng tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh. Cùng với đó, năm học này, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp liên kết đào tạo với Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, mở lớp liên thông lên đại học Sư phạm âm nhạc… tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các chuyên ngành yêu thích, phục vụ cho công việc sau này”, TS. Nguyễn Hồng Ân nói.
Khi được hỏi về khó khăn trong “đầu ra” của các môn nghệ thuật đã khiến cho học sinh ít mặn mà với các môn nghệ thuật, TS. Nguyễn Hồng Ân cho rằng, đó cũng là nguyên nhân khiến những năm gần đây số lượng thí sinh dự thi thấp. Nhà trường cũng đã tính đến định hướng cho học sinh sau khi ra trường như: liên kết với ngành du lịch đưa học sinh các môn nghệ thuật truyền thống vào phục vụ; giới thiệu các học sinh với các trung tâm năng khiếu, các thiết chế văn hóa cơ sở, các khu công nghiệp, nhà hàng… để học sinh có cơ hội được biểu diễn, có thu nhập ổn định. Từ đó, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng.
Có thể nói, với nỗ lực thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo, tin rằng Trường trung cấp VH-NT Ðồng Nai sẽ trở thành chiếc nôi đào tạo, chắp cánh đam mê nghệ thuật cho nhiều hơn nữa các tài năng trẻ tỉnh nhà.
Hằng năm, Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai đào tạo thường xuyên khoảng 200 - 250 học sinh. Mới đây, nhà trường đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2018 cho 29 học sinh (gồm 11 em xếp loại giỏi, 14 em xếp loại khá, 4 trung bình khá)

 

                                                                                                                           Ly Na